Hàng nghìn học sinh tham vấn sức khỏe tinh thần

Phòng tham vấn học đường do Tổ chức GNI triển khai giúp 4.146 lượt học sinh, phụ huynh tại thủ đô được tư vấn nhiều nội dung về sức khỏe tinh thần.

Tổ chức phi chính phủ Good Neighbors International (GNI) triển khai thiết lập và vận hành mô hình tham vấn học đường (Speakout) tại Hà Nội với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho học sinh, cung cấp kiến thức và nâng cao các kỹ năng phòng ngừa cho các em.

Năm 2021, tổ chức này thiết lập hai phòng tham vấn học đường tại trường THCS Lê Quý Đôn và THCS Minh Khai theo tiêu chuẩn 3C (chuyên môn – chuyên nghiệp – chuyên trách); tiếp tục hỗ trợ vận hành hai phòng tham vấn tại trường THCS – THPT Ban Mai (quận Hà Đông), trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa) đã được GNI thiết lập từ năm 2019. Tổ chức đồng thời triển khai các chương trình tập huấn dành cho giáo viên về kỹ năng hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho học sinh; tổ chức chia sẻ về phương pháp hỗ trợ con cho phụ huynh và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội thảo chia sẻ về mô hình phòng tham vấn học đường cho các trường THCS tại Hà Nội.

Phòng tham vấn học đường - nơi gửi gắm tâm tư của các em học sinh và phụ huynh.

Phòng tham vấn học đường – nơi gửi gắm tâm tư của các em học sinh và phụ huynh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, cứ bốn học sinh từ 14-15 tuổi lại có một em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cư xử… Tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam do ODI, Unicef phối hợp Bộ Lao động và Thương binh Xã hội nghiên cứu năm 2018 cũng chỉ ra, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên hiện nay mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8% đến 29%. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến gồm hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý).

Nhằm góp phần tăng cường sức khỏe tâm thần của các em học sinh, từ năm 2019 GNI đã bắt đầu thiết lập các phòng tham vấn học đường. Không chỉ chú trọng đến phương thức vận hành theo tiêu chuẩn 3C, các phòng tham vấn còn quan tâm đến vấn đề thiết kế. Với thiết kế thân thiện theo các tiêu chí SAFE – An toàn, Surroundings – khu vực xung quanh, Atmosphere – không khí, Feeling – cảm xúc, Examples – các hình mẫu, mỗi phòng tham vấn học đường đều được chia ra nhiều không gian để đảm bảo sự riêng tư. Các không gian như phòng đón tiếp, phòng tham vấn cá nhân hay phòng tham vấn cho nhóm và được trang bị các công cụ đánh giá; sách; đồ chơi hay đồ dùng để trị liệu cho cá nhân hay nhóm.

Cùng với đội ngũ tư vấn viên được đào tạo chuyên môn cũng như sự hỗ trợ và giám sát từ các chuyên gia có trên 10 kinh nghiệm về tâm lý, phòng tham vấn học đường đã trở thành nơi được các em học sinh, phụ huynh tin tưởng và gửi gắm tâm tư.

Tại Trường THCS Ban Mai, phòng tham vấn được xem là trái tim của một ngôi trường.

Tại Trường THCS Ban Mai, phòng tham vấn được xem là trái tim của một ngôi trường.

Ông Nguyễn Khánh Chung, Hiệu trưởng Trường THCS Ban Mai cho biết: “Phòng tham vấn học đường là trái tim của một ngôi trường. Những tác động tích cực của phòng tham vấn 3C đã mang lại những hoạt động có ý nghĩa nhất cho các em học sinh, cho cả giáo viên và các bậc phụ huynh”.

Trên thế giới, một trong những mô hình hỗ trợ tâm lý học đường điển hình là mô hình hệ thống và thúc đẩy phát triển toàn diện ở Mỹ (NASP, 2010, 2020). Tại Mỹ, các nhà tâm lý học đường thường được đào tạo về tâm lý học phát triển, tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên, giáo dục học, gia đình và việc làm cha mẹ, các lý thuyết về học tập và về nhân cách… Thông thường, nhà tâm lý học đường ở Mỹ làm nhiệm vụ đánh giá, tư vấn và hỗ trợ tâm lý cũng như tâm lý – giáo dục. Do đó, họ thường không chỉ là chuyên gia trong tâm lý học mà cả trong giáo dục học.

Với dự án của tổ chức GNI, đại diện ban tổ chức cho biết đã có bốn phòng tham vấn học đường được hỗ trợ thành lập và vận hành; với hơn 4.000 lượt học sinh, phụ huynh được tham vấn; 79 chương trình phòng ngừa được tổ chức với 5.599 lượt học sinh và cha mẹ học sinh tham gia. Bên cạnh đó là 8 chương trình “Một giờ hạnh phúc” đồng hành cùng cha mẹ với khoảng 1.800 phụ huynh tham gia; hội thảo chia sẻ “Xây dựng và vận hành phòng tham vấn học đường” với Sở Giáo dục thành phố Hà Nội với đại diện của 30 phòng Giáo dục và Đào tạo cùng hơn 100 trường THCS tham gia; 3 cuốn sổ tay thực hành tốt tham vấn học đường trong trường THCS được biên soạn…

Trong quá trình tham vấn, các chuyên gia nhận thấy 6 nhóm vấn đề nổi bật của học sinh, đó là học tập và hướng nghiệp, bạo lực và xâm hại, mối quan hệ với bạn bè, lạm dụng game và chất kích thích, trầm cảm và sang chấn, mối quan hệ với cha mẹ.

Đặc biệt, trong đại dịch, nhiều học sinh giảm sút trong học tập do các em không tập trung vì học trực tuyến, kéo theo đó là những áp lực học tập từ phía cha mẹ. Các em cũng cảm thấy lo lắng khi có sự đứt gãy mối quan hệ, giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Việc ở nhà lâu cùng bố mẹ cũng phát sinh mâu thuẫn giao tiếp và mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái.

Đại diện GNI cho biết, khó khăn lớn nhất là dự án vận hành trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nên nhiều hoạt động không tổ chức theo đúng thời gian, hình thức, số lượng người tham gia mong muốn. Việc tham vấn trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng 100% như trực tiếp. Bên cạnh đó, nhận thức nói chung của cộng đồng về sức khỏe tâm thần chưa cao, nên nhiều cha mẹ học sinh chưa sẵn sàng để được tiếp cận, hỗ trợ. Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần vẫn bị gắn mác là “bị thần kinh”, “bị tâm thần”, “đầu óc có vấn đề”… khiến việc chia sẻ từ học sinh và phụ huynh học sinh còn chưa cởi mở.

“Dù vậy, các trường đều có nhóm cha mẹ học sinh nòng cốt với sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề sức khỏe tâm thần của con cái. Họ hoạt động rất tích cực và sẵn sàng lan tỏa để nhiều người hơn. Học sinh cũng dần hình thành lòng tin với phòng tham vấn và tích cực tham gia các hoạt động của phòng”, đại diện GNI cho hay.

Kết thúc đợt hỗ trợ 100% học sinh và phụ huynh trường THCS Lê Quý Đôn cảm thấy hài lòng khi nhận tham vấn, trong khi đó với học sinh và phụ huynh trường THCS Minh Khai là 94%.

Tổ chức GNI cho biết thời gian tới sẽ tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng mô hình phòng tham vấn học đường ra các trường THCS khác cũng như phát triển hệ thống các tài liệu dựa trên kinh nghiệm vận hành thực tế và tổ chức các chương trình đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần.

Theo đó, năm 2022 Tổ chức GNI sẽ thiết lập và vận hành thêm 2 phòng tham vấn tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm). Các dự án của Tổ chức không mở rộng trên quy mô số lượng lớn các trường mà tập trung vào chất lượng hoạt động của các trường được hỗ trợ, nhằm đảm bảo các trường sẽ hiểu quy trình và có khả năng vận hành mô hình phòng tham vấn độc lập cũng như học sinh, cha mẹ học sinh được hưởng các dịch vụ chất lượng.

Nguyễn Phượng

Đang làm bài thi