Sách và văn hóa đọc thời công nghệ số

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2021 (21/4/2022) vừa được tổ chức khá thành công trên khắp cả nước, nhưng dường như đây đó, qua việc tổ chức trưng bày, giới thiệu, khuyến cáo

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2021 (21/4/2022) vừa được tổ chức khá thành công trên khắp cả nước, nhưng dường như đây đó, qua việc tổ chức trưng bày, giới thiệu, khuyến cáo… vẫn đang thiên và khuôn vào phạm vi sách in và văn hóa đọc sách in. Đó là điều cần thiết và cần cổ súy mạnh mẽ, như là một động thái duy trì, kế thừa những gì tốt đẹp nhất của sách in và văn hóa đọc sách in đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Đó cũng là điều chắc chắn phải gìn giữ và phát huy trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số.


Học sinh tham gia đọc sách
 tại hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ nhất tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Ảnh minh họa

Điều đáng quan tâm là, trong cách mạng 4.0 và thời đại công nghệ số, dù vẫn tiếp tục đề cao và cổ súy mạnh mẽ cho sách in và văn hóa đọc sách in, thì cũng phải nhận ra một thực tế: sách công nghệ số (trên mạng internet), sách nói… và văn hóa đọc sách thời công nghệ số đã và đang phát triển như vũ bão. Có những lúc, những nơi, nó lấn át sách in và văn hóa đọc sách in. Thậm chí, trong một bộ phận không nhỏ độc giả, nhất là người đọc lứa tuổi teen, họ gần như đã dần từ bỏ sách in và văn hóa đọc sách in, trừ chuỗi hệ thống sách giáo khoa buộc phải đọc…

Trước hiện tượng xã hội – văn hóa mang tính thời đại này, rõ ràng quan niệm về sách và văn hóa đọc, cần thiết phải có những thay đổi cũng như phương cách ứng xử tương thích, phù hợp.

Đó là, tiếp tục tôn vinh, cổ súy, duy trì sách in và văn hóa đọc sách in như là một nét văn hóa đẹp đẽ, thiêng liêng. Tuy nhiên, cần phải tạo ra những đột phá mạnh mẽ về nhiều phương diện, qua đó giúp sách in ngày một trở nên hấp dẫn, cuốn hút hơn trước đây. Muốn vậy, một mặt, đề tài, nội dung, nghệ thuật… của sách in phải ngày càng phong phú, đa dạng, đa chiều, gắn chặt với cuộc sống đương đại của con người; mặt khác, quan trọng hơn, hình thức của sách in phải thật sự hấp dẫn, “bắt mắt”, được trình bày bằng một quy trình mỹ thuật, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, rất cần thao tác xác lập, cổ súy, khuyến khích, duy trì thói quen đọc sách in, coi đó như là một phẩm chất văn hóa của mỗi cá nhân. Làm được điều này, không chỉ hô hào suông mà cần có tác động tích cực mang tính dây chuyền, chuỗi domino giữa những người trong một tổ chức, cộng đồng, trong một gia đình… Muốn nhiều người đọc sách in thì không chỉ là mở nhiều hiệu sách để bán sách, mà hơn thế, phải mở nhiều thư viện để mọi người đến đọc sách hay mượn sách về đọc. Có thư viện ắt có người đọc sách in. Đó là một quy luật! Nhưng thư viện không chỉ mọc ở phố thị mà cần len lỏi về các vùng thôn quê còn khó khăn, vất vả. Làm điều này, một mình Nhà nước là chưa thể! Xã hội hóa chính là phương thức hữu hiệu nhất. Nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện rất thành công mô hình thư viện xã hội hóa và đã kéo người đọc đến với sách in, duy trì văn hóa đọc sách in.

Nhà trường là một trong những môi trường tổ chức đọc sách in và duy trì văn hóa đọc sách in tốt nhất. Đó không chỉ là sách giáo khoa mà học sinh phải đọc một cách bắt buộc mà còn là các loại sách có ở thư viện nhà trường, cần khuyến cáo, động viên các em tự giác tìm đọc.

Song hành với sách in và văn hóa đọc sách in, trong thời đại công nghệ số hiện nay, đương nhiên cần quan tâm đúng mức, tuyên truyền, định hướng cho việc đọc sách trên mạng và hình thành văn hóa đọc sách trên mạng một cách kịp thời, chuẩn xác, hiệu quả. Sự tiện lợi của sách số, sách nói là không thể phủ nhận, vì nó chính là sản phẩm ưu việt của thời đại công nghệ số. Chỉ cần một chiếc smarphone trên tay là người đọc có thể đọc, nghe thiên kinh vạn quyển trong mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi đó, mặt trái của nó là luôn tiềm ẩn những rủi ro, những tác động tiêu cực, nhất là với đối tượng người đọc là giới trẻ và là học sinh trong trường phổ thông. Sách và văn hóa đọc thời công nghệ số hàm nghĩa phong phú, đa dạng và phức tạp hơn. Đó không chỉ là sách in ra giấy mà còn là sách nói, sách đọc trên mạng. Đó không chỉ thuần túy là thao tác đọc sách như một thói quen tốt (khi kho sách in cho phép lưu hành, hầu hết đã được kiểm duyệt một cách kỹ lưỡng) mà hơn thế, ở đó, còn thể hiện bản lĩnh của người đọc trong sự định hướng, chọn lọc nên đọc và không nên đọc cái gì, giữa một kho sách khổng lồ, tốt xấu đan xen, thậm chí, xấu gấp bội tốt.

Mạng internet là một siêu kho sách hoàn toàn mở về nhiều phương diện. Ở đây, không còn là một thư viện có tổ chức và định hướng đối với người đọc. Vì thế, đọc sách trên mạng và hình thành văn hóa đọc qua mạng, đòi hỏi người đọc phải từng bước, biết trau dồi bản lĩnh đọc, biết chọn lọc sách hay, sách tốt, khước từ, loại bỏ sách xấu, sách độc. Văn hóa đọc thời công nghệ số đa chiều, phức tạp hơn rất nhiều so với văn hóa đọc trong phạm vi sách in thường thấy lâu nay.

Như vậy, có thể nói, khái niệm đọc sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số đã mở rộng biên độ ngữ nghĩa. Nó gắn với thực tiễn hoạt động đọc của con người, khi họ đang đọc sách in, sách nói hay sách số. Cũng như vậy, Ngày sách và văn hóa đọc, không chỉ đề cập đến sách in và văn hóa đọc sách in, mà cần thiết phải quan tâm nhiều hơn, thậm chí sâu sắc hơn, đến sách số và văn hóa đọc sách số.

Tôi muốn nhấn mạnh đến phạm trù ngữ nghĩa của văn hóa đọc ở phương diện đọc sách số. Rõ ràng ở đây, văn hóa đọc không còn đơn thuần chỉ là thói quen đọc sách, ham thích đọc sách hay đọc sách như là một phẩm chất văn hóa của cá nhân, cộng đồng mà thêm và rộng hơn, văn hóa đọc còn là việc thể hiện bản lĩnh, nhân cách của người đọc trước việc lựa chọn nguồn sách, lựa chọn tri thức, kiến thức, kỹ năng… để tiếp cận, nắm bắt. Văn hóa đọc ở phương diện sách in (có khâu kiểm duyệt) chắc chắn chỉ xuất hiện hai cấp độ: thường và tốt, ứng với không (ít) đọc hoặc có đọc (đọc nhiều). Nhưng văn hóa đọc ở phương diện sách số (không có khâu kiểm duyệt) sẽ cho ra ba cấp độ: thường (không hoặc ít đọc), xấu và tốt (có đọc hay đọc nhiều, nhưng theo hai thái cực trái ngược nhau).

Trong thời đại sách số đang thịnh hành, chỉ cổ vũ việc thường xuyên đọc sách hay đọc nhiều sách như là một nét văn hóa mà quên mất hàm lượng ngữ nghĩa mới, phức tạp của khái niệm văn hóa đọc nói trên, chắc chắn nhiều khi, lợi bất cập hại, văn hóa có nguy cơ trở thành phi văn hóa.

TAO ĐÀN

Đang làm bài thi