Thiết bị phập phù, cô trò vất vả học trực tiếp kết hợp online

Máy tính trường trang bị cho lớp có camera nhưng thiếu micro khiến Hằng, học online ở nhà, chỉ có thể nhìn mà không nghe cô và các bạn nói.

Sáng 8/2, thấy các bạn cùng lớp háo hức đi học trực tiếp sau chín tháng ở nhà, Nguyễn Minh Hằng buồn và hụt hẫng. Vài ngày trước, em đã chuẩn bị quần áo, sắp sẵn sách vở chờ ngày được gặp thầy cô, bạn bè. Nhưng ngay trước hôm trở lại trường, nữ sinh lớp chín ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, biết tin mình là F1, phải theo dõi sức khỏe và học online ở nhà.

7h sáng, Hằng đăng nhập Zoom để bắt đầu học. Hôm ấy, lớp có mình Hằng phải học từ xa. Nữ sinh cho hay, trường trang bị mỗi lớp một bộ máy tính để bàn, camera rời nhưng không có micro hay loa. Lớp có bốn dãy bàn, máy tính được đặt trên bàn tại chỗ không có người ngồi ở dãy thứ hai. Camera gắn trên máy tính và hướng lên bảng.

“Máy tính không có micro thu tiếng nên em chỉ có thể nhìn mà không nghe thấy cô hay các bạn nói gì. Hình ảnh cũng chỉ được 30% độ nét vì camera mờ, cộng với ánh đèn trên lớp càng khiến em không thấy rõ”, Hằng kể.

Học sinh F1 tham gia buổi học sáng 11/2 với các bạn học trực tiếp trên lớp tại trường THCS Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Học sinh F1 tham gia buổi học sáng 11/2 với các bạn học trực tiếp tại THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Lúc đầu Hằng hơi hoảng vì năm nay cuối cấp, chuẩn bị lên lớp 10. Nếu việc học gián đoạn lâu, em sợ không theo kịp chương trình học. Không chép được bài, Hằng nhắn tin cho lớp trưởng, nhờ chụp lại và gửi cho mình. Em cũng trao đổi với cô giáo để báo nhà trường khắc phục.

Khi đã có micrco thu tiếng thì “có hôm mạng trục trặc. Cô giảng cả đoạn dài nhưng em chỉ nghe được câu đầu”, Hằng chia sẻ.

Đặng Nhật Minh, học sinh lớp 10 ở Cầu Giấy, cũng rơi vào cảnh tương tự. Lớp Minh có 4-5 bạn F1, phải học Zoom chung dành cho hơn 20 học sinh khối 10 đang phải cách ly.

Minh cho hay lớp chuẩn bị sẵn một chiếc laptop mở loa và bật camera. Máy tính được đặt trên bàn, camera chiếu lên bảng viết phấn trắng để học sinh ở nhà theo dõi. Tuy nhiên, mạng chậm khiến hình ảnh không rõ nét, chữ viết trên bảng chỉ nhìn thấy mờ mờ.

Nam sinh sốt ruột khi không đọc được cô viết gì. Lúc mạng tốt có thể chép được bài trên bảng, còn khi bị lag, Minh chỉ còn cách ngồi chờ. Em cũng nghe bập bõm bài giảng vì còn phụ thuộc cô nói to hay nhỏ.

“Điều này ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng của em. Trục trặc về mạng khiến em không nắm được bài. Sau khi em chat vào box phản ánh, cô đã điều chỉnh và nói to hơn”, Minh cho hay.

Tiết học giáo viên dạy online cho học sinh học trực tiếp tại lớp hôm 11/2 tại trường THCS Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tiết dạy trực tiếp, có kết nối máy tính cho học sinh ở nhà, hôm 11/2 tại THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cuối buổi học, Minh nhờ các bạn cùng lớp giảng lại hoặc chụp vở viết để chép bài. Không chỉ Minh gặp vấn đề với việc học từ xa, các bạn F1 trong lớp cũng khó khăn khi nghe giảng. Hiện sức khỏe của Minh ổn định. Em mong sớm hết cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính để đi học trực tiếp.

Sau khi đến trường được hai hôm, ngày 10/2, Lương Cao Minh Quân, lớp 12 ở Hoàng Cầu, quận Đống Đa, phải ở nhà, do mẹ em trở thành F0. Đang phấn khởi và hứng thú tiếp thu bài trực tiếp, Quân quay lại học online và cảm thấy kém hiệu quả hẳn. Quân đang lo xoay xở ra sao khi tuần sau có thi khảo sát sáu môn đầu năm.

Học online khiến Quân đôi lúc thấy việc tiếp thu bị hạn chế do thiếu tương tác trực tiếp. Nam sinh cho biết thêm, kết thúc bài giảng, giáo viên thường nán lại để hỏi các bạn phải học online đã hiểu bài chưa hay có thắc mắc gì không. Nhóm học sinh F1 tranh thủ hỏi lại những phần bị lỡ hoặc chưa hiểu.

Hà Nội quyết định mở cửa trường học cho các khối lớp từ 7 đến 12 ngay sau Tết. Việc di chuyển tiếp, xúc nhiều trong kỳ nghỉ lễ làm xuất hiện nhiều ca nhiễm trong học sinh, giáo viên. Hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng hàng loạt học sinh vừa đến trường được vài ngày đã phải quay lại học online do trở thành F0, F1.

Theo quy trình, khi có F1, F0, các trường học chỉ khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất và phải luôn sẵn sàng phương án dạy kết hợp hai hình thức, thậm chí chuyển sang trực tuyến khi số ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chủ yếu là thiếu nhân sự và thiết bị phập phù, việc tổ chức dạy song song trực tuyến và trực tiếp tại nhiều trường chưa suôn sẻ, khiến các em phải học ở nhà thiệt thòi.

Gặp khó khăn tương tự, nhưng ở tình huống ngược lại là những cô giáo F1 phải dạy từ xa cho học sinh ở trường. Tình huống này được các em nói vui, thay vì ở nhà học trực tuyến, thì bây giờ, các em đến trường học trực tuyến.

Nhiều trường đã lường trước tình huống nên chủ động nâng cấp mạng. Trường THPT Hoàng Cầu là một trong số đó.

Theo cô Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên THPT Hoàng Cầu, trước khi đón học sinh trở lại, trường đã hướng dẫn hình thức giảng dạy và học tập. Những giáo viên không đủ điều kiện dạy trực tiếp tại trường sẽ dạy online qua Zoom kết nối các điểm cầu. Điểm cầu chung tại lớp học dành cho học sinh trực tiếp tại trường. Điểm cầu còn lại dành cho những học sinh ở nhà.

Cô Huyền là F1, đang phải dạy online cho học sinh ở lớp vì không đổi được tiết và trường thiếu nhân lực do một số giáo viên phải cách ly. Cô Huyền cho hay, từ tháng 7 năm ngoái, trường lắp wifi cho các phòng học. Sắp tới, trường lắp hệ thống loa cố định mới ở từng lớp để trong bất cứ tình huống nào cũng thích ứng tốt nhất.

Nhưng cô Huyền cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, trong hoàn cảnh dịch bệnh, số học sinh và giáo viên F0, F1 vẫn tiếp tục tăng. Việc bao quát học sinh qua màn hình khó đảm bảo.

Ngoài ra, nếu đường mạng của nhà cô hoặc của trường không ổn, việc học cũng bị ngắt quãng. Giải pháp trên có thể hiệu quả với các môn học xã hội khi học sinh không phải làm bài tập nhiều. “Với những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, việc dạy này không ổn vì khi các em lên bảng trả lời sẽ phụ thuộc vào camera có nét hay không; vị trí đặt gần hay xa. Đặt xa thì bao quát được bảng nhưng cô sẽ không nhìn rõ được bài làm của các em”, cô Huyền cho hay.

“Khó đến đâu, chúng tôi sẽ thích ứng đến đấy. Học sinh và phụ huynh khi đón nhận việc này cũng không nặng nề hay áp lực vì đều hiểu để thầy cô và học sinh đến trường đầy đủ cần thời gian dài. Giờ là thời điểm chúng ta phải chấp nhận những bất cập nhất định”, cô Huyền nói.

Bình Minh (Theo VnExpress)

Đang làm bài thi