- Thực tế ảo góp phần định hình tương lai giáo dục
- Xu thế giáo dục tương lai
- Học sinh Phú Thọ, TP.HCM trải nghiệm thực tế với robot giáo dục và ngôn ngữ lập trình
100 % cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý
Dù trực tiếp chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng cũng từ thực tiễn đã góp phần thúc đẩy quá trình tự chuyển đổi để chuyển đổi số một cách sâu sắc, thực chất. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với phương châm “tạm dừng đến trường song không dừng việc học”, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển trạng thái nhanh từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến và các hình thức khác để bảo đảm nội dung, chương trình, chất lượng giáo dục. Toàn tỉnh có 760 cơ sở giáo dục, trong đó 704 trường chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 93,7%, 116 trường chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt 15,4%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 12 năm học 2020 – 2021 đạt 98,98%. Kết quả phổ cập giáo dục trong nhóm các tỉnh dẫn đầu toàn quốc.
Một giờ học thực nghiệm chuyển đổi số tại Trường THCS Việt Tiến (Việt Yên, Bắc Giang).
Hiện ngành giáo dục đã hoàn thành đầu tư, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp phần mềm quản lý trường học tới 100% các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, đáp ứng Quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 4998/QĐ-BGDĐT ngày 31.12.2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ năm học 2021 – 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai áp dụng hồ sơ, sổ sách quản lý tại các cơ sở giáo dục dưới hình thức điện tử, cụ thể hóa thông qua văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho các đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện. Tới thời điểm kết thúc năm học, việc cập nhật, quản lý đã được các đơn vị triển khai thuận lợi, giảm tải tối đa áp lực, thời gian làm việc thủ công cho cán bộ, giáo viên trong việc cập nhật hồ sơ, sổ sách cuối năm học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm cho biết “Do được tích hợp với Cơ sở dữ liệu ngành nên lãnh đạo các cấp quản lý từ phòng tới bộ có thể khai thác dữ liệu ở đơn vị mình quản lý mọi lúc, mọi nơi mà không cần chờ cấp dưới báo cáo. Vì thế nhanh, tiện lợi hơn nhiều lần so với quy trình trước đây”.
Hiệu trưởng Trường THCS Việt Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang) Nguyễn Thị Thanh Thiết cho hay, ưu điểm nổi bật của nền tảng trực tuyến là tự động điểm danh, xác thực thông tin người học; tự chấm điểm các bài kiểm tra, đánh giá năng lực; hệ thống tự động ghi lại quá trình học giúp học sinh về nhà có thể xem lại bài giảng; kho học liệu đa dạng, phong phú giúp học sinh, giáo viên khai thác, tìm hiểu thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 42/2021/TT-BGDĐT quy định về cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo với mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục và đào tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Số hóa sổ sách, giảm tải cho giáo viên
Hiệu phó Trường Mầm non Song Mai (Bắc Giang) Nguyễn Thị Yên chia sẻ: “Phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành giúp nhà trưởng quản lý tài chính, cơ sở vật chất, thông tin cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, thông tin học sinh một cách khoa học và nhanh chóng, giảm thiểu rất nhiều hồ sơ, sổ sách qua các năm học. Thay vào đó là chuyển sang hồ sơ, sổ sách điện tử phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng của giáo viên”.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh để mở rộng phần mềm quản lý ra phạm vi toàn tỉnh. Hệ thống góp phần bảo đảm nâng cao an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chính phủ về văn thư, lưu trữ.
Để thực hiện chuyển đổi số bền vững, ngành đã xác định đội ngũ cán bộ, giáo viên đóng vai trò quan trọng, chính vì lẽ đó trong thời gian tới, UBND tỉnh ưu tiên thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28.01.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch số 1879/KH-UBND ngày 29.4.2022 về triển khai Đề án.
Theo Kế hoạch này, ngành giáo dục có nhiều việc phải làm như: triển khai cơ sở dữ liệu ngành giáo dục phục vụ công tác thống kê báo cáo đến 100% cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh (hơn 500 cơ sở giáo dục tiểu học, THCS, THPT, GDTX); thí điểm triển khai trường học số tại 2 trường THCS và 10 trường THPT trong năm 2022 (30% số trường THPT); xây dựng cơ sở dữ liệu bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến chuẩn hóa phục vụ đổi mới hoạt động dạy và học…
Minh Tú